Cũng như Tết Nguyên đán của ta, Tết Tsagaan Sar của người Mông Cổ sẽ kéo dài từ ngày mồng 1 Tết âm lịch cho đến hết ngày mồng ba âm lịch. Tết Tsagaan Sar là một trong những dịp lễ rất quan trọng của người dân Mông Cổ.












Mông Cổ là một trong số ít quốc gia ăn Tết Âm lịch giống Việt Nam. Ở Mông Cổ, hai dịp lễ quan trọng được chờ đợi nhất là Tết tháng trắng (người dân địa phương gọi là Tsagaan Sar) vào tháng giêng và tết Naadam vào tháng 7.



Những ngày này, mọi người cùng “rửa sạch” cả thể xác lẫn tâm hồn để đón chào khởi đầu mới tốt, đẹp hơn. Nghi thức trước đêm Giao thừa của người Mông Cổ là rửa sạch chén bát với sữa ngựa.
Tất cả nam giới lên đỉnh ngọn đồi hay núi gần đó, mang theo thực phẩm và cầu nguyện. Rồi người ta đi về hướng nào đó theo tử vi – được gọi là muruu gargakh (lễ xuất hành). Người ta tin rằng nếu xuất hành đúng hướng sẽ gặp may quanh năm. Mặt trời vừa ló dạng là những người trong gia đình chào hỏi nhau. Người lớn tuổi nhất ngồi ở hướng bắc và những thành viên trẻ đến chào ông (bà) trước khi chào hỏi lẫn nhau. Hết thảy mọi người chào hỏi lẫn nhau trừ vợ chồng.













Vào thời khắc Giao thừa, người Mông Cổ thực hiện tục uống trà đầu năm. Trước tiên, họ pha trà rót ra 1 chén đầu tiên, đem ra trước sân nhà vẩy khắp 4 hướng. Chén trà thứ 2 dành mời chủ nhà, sau đó lần lượt mời các thành viên khác trong gia đình.














Món ăn truyền thống trong Tết Tsagaan Sar là các sản phẩm làm từ sữa, bánh buuz (giống như bánh bao), thịt cừu, thịt bò, sữa dê, cơm ăn cùng với sữa đông; hay cơm ăn chung với nho khô, thịt cừu nướng, thịt ngựa, bánh buuz, sữa ngựa lên men hoặc rượu vodka trộn sữa.














Ngày Tết gặp nhau, người Mông Cổ chúc nhau bằng câu nói: 'Chúc cho đàn cừu của bạn béo tốt'. Ở xứ sở này, cừu đông hơn người. Hầu hết các món ăn ngày tết của người Mông Cổ đều chế biến từ sữa cừu và trên mâm cỗ lúc nào cũng có thịt cừu nướng và mỳ vằn thắn.











Theo ngaynay.vn