Tôi gặp Thương Như, sinh năm 1991 một chiều cuối xuân nơi chợ tình Khau Vai, Mèo Vạc, Hà Giang. Chàng trai người Hải Dương, yêu thích những cung đường và nhiếp ảnh. Hà Giang là điểm đến thường xuyên của anh.



Có rất nhiều lý do để con người ta cảm mến một vùng đất vốn dĩ đã là nguồn cảm hứng bất tận cho bao người yêu cái đẹp, yêu thiên nhiên, yêu sự hùng vĩ ngút ngàn. Nhưng tôi vẫn thắc mắc sự có mặt thường xuyên của anh nơi cao nguyên đá này một cách lặng lẽ và đầy tâm trạng.



Tôi nhận được câu trả lời mang nặng trầm tư: “Vẫn biết Hà Giang là đẹp, là cuốn hút nhưng với Thương thì Hà Giang còn hơn thế, đó là cảm giác nuối tiếc”.



Mùa xuân năm ngoái, Thương cùng nhóm bạn phượt lên Hà Giang vào đúng dịp diễn ra chợ tình Khau Vai (27/3 âm lịch).







Nơi cao nguyên đá đầy hoang sơ nhưng không kém phần thơ mộng ...







Phiên chợ Phong Lưu là nơi người ta tìm đến nhau sau một hoặc vài năm xa cách. Những người tới đây đều có một mối tình trắc trở, yêu thương nhau thực sự nhưng vì một lý do nào đó không đến được với nhau. Dù hiện tại mỗi người đều có duyên phận của riêng mình nhưng họ hẹn nhau đúng ngày này gặp lại, để thông báo cho nhau cuộc sống riêng của mình và ôn lại những kỷ niệm xưa.



Kéo cho tôi xem tấm ảnh đẹp vẫn còn lưu giữ trong phiên chợ năm nào, Thương như kể tiếp câu chuyện tình như một thước phim quay chậm.



Cả nhóm tới Khau Vai khi trời đã chớm trưa. Tất cả ùa vào phiên chợ tấp nập mà nguồn gốc có từ chuyện tình của cô Út dân tộc Giáy và chàng Ba người Nùng.








... họ đã gặp nhau trong sự quyến luyến buổi ban đầu.










Trong phiên chợ tình truyền thống, anh đã gặp Sủng Trái, dân tộc Mông, sinh năm 1994. Cô gái cũng tới phiên chợ nhưng chẳng phải để tìm lại người cũ mà cô là một bông hoa núi rừng tinh khiết, đang hòa mình vào cái đẹp của đất trời, cái tình của những người tới đây.
Ánh mắt biết nói, vẻ đẹp thuần khiết của sơn nữ vùng cao đã xao lòng trái tim chàng trai trẻ. Cả hai đã trò chuyện, hỏi thăm nhau tựa như một cặp đôi đã hò hẹn trước như bản sắc của phiên chợ thường niên này.



Anh chàng người Kinh và cô gái người Mông đã kịp trao nhau chút luyến lưu buổi ban đầu. Trong mắt của Thương Như lúc này, giữa núi rừng hùng vĩ, giữa muôn ngàn bông hoa khoe sắc xuân anh đã tìm được một bông hoa của riêng mình.



Sủng Trái dường như cũng cảm nhận được tình cảm từ chàng trai mang dáng vẻ phong trần và bụi bặm. Ánh mắt biết nói của cô đã phản biện lại sự e lệ thường thấy của người con gái vùng cao. Sự lay động từ trái tim còn hoang sơ và tính cách chân chất, mở lòng của con người nơi rẻo cao đã khiến Sủng Trái ngỏ lời mời nhóm bạn về nhà chơi.



Nhà của Sủng Trái là một bản nghèo người Mông, cách đó không xa. Một buổi tối ấm áp với lửa trại, ly rượu ngô nồng và ấm nóng hơn với tình cảm chân thành của người Mông.







Bông hoa thuần khiết của núi rừng ...










Thương Như và Sủng Trái đã có thêm cơ hội để nói chuyện, để tâm tình, đẩy lên cao trào cái tình giữa đất trời trên một cung đường của chàng trai trẻ. Chẳng biết có phải do khí hậu lạnh giá khắc nghiệt nơi đây hay ‘sốc phản vệ” của tình yêu bất chợt mà đêm ở bản Thương Như sốt cao.



Thương kể: “Tối hôm đó, tôi bị ốm, cả nhóm lo sốt vó. Những liều thuốc đơn giản mang đi không đủ để kiềm lại cơn sốt hầm hập tới”. Không ai thấy Sủng Trái đâu. Chừng một tiếng sau, thấy cô lật đật chạy về tay mang theo một nắm lá thuốc. Sủng Trái đi hái ở vạt rừng bên kia bản.



Buổi chia tay thật khó khăn với cả hai. Chàng trai người Kinh đã bị hút hồn, quyến luyến bởi bông hoa rừng thuần khiết nơi rẻo cao. Cô gái người Mông đã xiêu lòng trước sự nồng ấm, nhiệt thành từ chàng trai đất đồng bằng châu thổ.
Tình yêu của đôi bạn trẻ cứ thế nồng cháy mãnh liệt chẳng kể khoảng cách địa lý, khác biệt về văn hóa hứa hẹn một cái kết có hậu nếu như không có một ngày …
Những lời lẽ yêu thương, tình cảm chân thành từ cao nguyên đá cứ thưa thớt, vơi dần rồi mất hẳn. Một tuần, hai tuần … rồi một tháng Thương Như không nhận được tin tức gì từ bông hoa nơi rừng núi.







... đã để lại sự nuối tiếc trong lòng chàng trai trẻ.







Sủng Trái đã “bị bắt” theo chồng trong một phong tục ‘Cướp vợ” của người Mông. Bông hoa rừng hôm nào đã có chủ. Bông hoa đã ở lại nơi cao nguyên kỳ vĩ, chẳng kịp khoe sắc, tỏa hương ở vùng đất màu mỡ quanh năm bồi đắp bởi con sông Hồng nặng đỏ phù sa.
Giờ đây, năm nào cũng vậy, trên những cung đường bất tận của mình, Thương Như luôn lặng lẽ có mặt ở chợ tình Khau Vai. Hà Giang vẫn luôn là điểm đến của mọi người bởi phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, bởi phong tục tập quán, bản sắc đặc trưng chẳng nơi nào có được. Và cũng là điểm đến hoài niệm của chàng trai người Kinh vẫn mải miết đi tìm lại bông hoa rừng thuần khiết năm nào.





Theo ngaynay.vn