Kỳ 1: Cánh cửa Tây Bắc thơ mộng
Điểm đến đầu tiên của hành trình xuyên Việt là Yên Bái – cánh cửa Tây Bắc thơ mộng. Nghĩa Lộ - Tú Lệ - Mù Cang Chải với những thửa ruộng bậc thang, thảm lúa chín vàng, món xôi nếp thịt nướng ngọt thơm … như đang mời gọi.
Xuất phát từ Hà Nội vào sáng sớm, tôi có thêm một anh bạn đồng hành tên Phong – một phượt thủ kinh nghiệm.
Buổi sáng, tiết trời Hà Nội thật dễ chịu, ánh nắng cuối thu vàng rộm, chiếu chênh chếch trên con đường Hồ Tùng Mậu. Tôi chọn tòa soạn Tạp chí Ngày nay – cơ quan của mình làm nơi xuất phát.







Bạn bè và các anh chị tòa soạn trong buổi chia tay Phong Việt (người mặc áo đen giơ tay).





Tối qua, tôi đã cẩn thận chuẩn bị quần áo thật chu đáo vì Tây Bắc mùa này đang trở lạnh. Cái túi đôi thật hữu ích. Một bên tôi để hành lý: quần áo, tất, mũ cùng đồ dùng cá nhân. Bên kia tôi ưu tiên để đồ nghề sửa xe: kìm, cờ lê, tuavit … không quên mang theo đồ sơ cua cho chiếc xe Minsk hầm hố nhưng đỏng đảnh. Thêm 4 chai nhớt để pha vào xăng cho anh bạn 2 thì là tôi thấy yên tâm phần nào.
Lên đường thôi! – Tôi nói lớn với anh bạn để lấy thêm khí thế. Những vòng quay đầu tiên của bánh xe chầm chậm tiến. Đằng sau lưng phố phường Hà Nội vẫn đang nhộn nhịp, hối hả.
Gần hai tiếng, đi qua cao tốc Thăng Long – Nội Bài, theo quốc lộ 2 chúng tôi đi tới thành phố Việt Trì (Phú Thọ) – cửa ngõ Tây Bắc.







Thành phố Việt Trì (Phú Thọ) là điểm dừng chân đầu tiên của tôi.





Thành phố Việt Trì – nơi Ngã ba Hạc – tôi được biết là giao của con sông Thao đỏ nước phù sa hợp lưu với dòng sông Lô, sông Đà xanh biếc thành dòng sông Hồng huyền thoại.
Nghỉ chân ngay bên vệ đường cuối thành phố, tôi và Phong sà ngay vào một cửa hàng bánh mỳ. Mùi thơm nức mũi từ nhà hàng thịt chó bên cạnh – một đặc sản của đất Việt Trì làm chúng tôi nhìn nhau cười tủm tỉm. “Bữa sáng bánh mỳ thôi, thế là sang đấy!” – Tôi chặc lưỡi.
Lót dạ hai ổ bánh, hai chiếc xe Minsk lại lầm lũi lên đường. Ngang qua huyện Lâm Thao (Phú Thọ), nơi Đền Hùng – quê cha đất Tổ. Lượn một vòng dưới chân ngọn núi Nghĩa Lĩnh, chúng tôi vào tham quan và thắp nén hương cho các vị vua Hùng. Một cảm giác tự hào dâng lên trong lòng khi cúi đầu trước ngôi đền huyền thoại về các vị Vua Hùng có công dựng nước – mà tôi đã được cô giáo kể từ hồi cấp I.







Khách tham quan di tích đền Hùng, huyện Lâm Thao, Phú Thọ.





Rời đền các vua Hùng với một tâm trạng thoải mái, chúng tôi như vững tay lái hơn qua Đoan Hùng. Nơi đây nổi tiếng với đặc sản bưởi Đoan Hùng vị ngọt mát, mùi thơm đặc trưng. Được biết, nó cũng chính là vũ khí “giả thủy lôi” của quân dân ta trong chiến dịch Thu Đông năm 1947.
Tới ngã ba đường đi Yên Bái, chúng tôi nghỉ chân ăn trưa.


Giở tấm bản đồ ra xem, Phong nói:
- Sắp tới thành phố Yên Bái rồi! Qua đó rồi tối nay chúng ta sẽ nghỉ tại Nghĩa Lộ nhé!
- Uhm! Chặng đường còn dài, phải phân phối sức ra không có mệt giữa chừng thì oải lắm – Tôi đáp.
Yên Bái – cánh cửa Tây Bắc huyền bí đang gần theo vòng quay bánh xe chúng tôi. Hai giờ chiều, bóng hai kẻ lữ hành đã in trên vòng xuyến trung tâm thành phố.
Dựng xe lên vỉa hè, tôi phải xem lại cái cổ phốt xe của Phong. Nó khá lỏng lẻo so với tay lái. Tay búa, tay đục tôi mạnh tay siết chặt. Phải cẩn thận vì chặng đường sắp tới sẽ khó khăn hơn rất nhiều.


Có một bác xe ôm gần đó cất giọng:
- Đi đâu thế này chàng trai? Có cần giúp gì không?
Ở Hà Nội tôi khá quen với cảnh này. Sẽ là một lời mời chào đẩy xe với giá “hữu nghị” đây – tôi thầm nghĩ.







Những giây phút 'ngã bệnh' giữa chừng của chiếc xe Minsk đỏng đảnh.







Mắt nhìn chăm chăm chúng tôi, bác tiếp lời:
- Đi “phượt” hả? Xe cộ cẩn thận nhé. Cái cổ phốt đấy cháu đóng vừa phải thôi, nếu chặt quá tay lái rất cứng mà lỏng thì bị bẻ quặt ngay.
Giọng bác thân tình như người thân, nụ cười hài lòng khi thử lắc lắc cái tay lái xe tôi. Chúng tôi lên xe trực chỉ hướng Nghĩa Lộ, không quên cảm ơn bác. Chợt trong lòng tôi thấy phấn khởi lạ.
Con đường từ thành phố Yên Bái tới thị xã Nghĩa Lộ như ngắn lại với những cánh đồng lúa chín ven đường, thấp thoáng những cánh hoa ban trên sườn núi.
Đi về phía lòng chảo Mường Lò, nơi có con suối Thia thơ mộng, tôi chợt nghe vẳng bên tai tiếng hát:
Chiều mùa thu, nắng vàng như mật
Khi đã nghe đèo Ách, cửa Nhì
Khi đã nghe tiếng rừng gió hút
Anh có vào Nghĩa Lộ với em không?

Tiếng hát của cô gái Mường Lò bài: “Anh có vào Nghĩa Lộ …” nhạc Trọng Loan phổ thơ Hoàng Hạnh.








Ngã ba Thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái).





Chúng tôi quyết định nghỉ qua đêm tại một nhà trọ bình dân gần chợ văn hóa Mường Lò. Đêm đầu tiên xa Hà Nội. Cái se lạnh nơi núi rừng Tây Bắc, sự thơ mộng và huyền bí mới bắt đầu đã ru tôi vào giấc ngủ ngon lành.


Buổi sáng, tôi và Phong dậy thật sớm. Hôm nay sẽ là một ngày vất vả và thú vị đây. Sẽ vượt qua đèo Khau Phạ - con đèo trên quốc lộ 32 dài hơn 30km để đến Mù Cang Chải. Một trong tứ đại đỉnh đèo khu vực này.


Chạy tới chân đèo Khau Phạ, tôi dừng xe để chụp một kiểu ảnh, như cách gọi của dân phượt là “check in” điểm này.









'Check in' đèo Khau Phạ (Yên Bái) - một trong 'Tứ đại đỉnh đèo' khu vực Tây Bắc.





Đổ thêm ít dầu vào xăng nhằm làm mát máy, chúng tôi từ từ chinh phục con đèo hiểm trở. Hai chiếc Minsk phải cài số 1 qua những đoạn vừa cua tay áo lại vừa lên dốc, độ nghiêng tới 10%.


Càng leo cao dần, một cảnh quan tuyệt vời hiện ra trước mắt chúng tôi. Những thửa ruộng bậc thang nước lấp lánh ánh mặt trời phản chiếu. Thảm lúa chín vàng rực một góc trời. Từ trên đèo nhìn xuống thị trấn Tú Lệ, từng mái nhà lợp gỗ nằm san sát, đan xen giữa núi rừng.











Thảm lúa chín vàng rực một góc trời Tú Lệ (Yên Bái).





Tôi thốt lên:


- Ôi! Đẹp quá!


Phong ngẩn người hưởng ứng:
Đêm nay chúng ta sẽ ở đây để sáng mai đón bình minh. Tớ thèm món xôi nếp thịt nướng Tú Lệ.


Chúng tôi quyết định ở lại Tú Lệ để săn ảnh các cô gái Thái ‘tắm tiên” tại suối nước nóng (một thói quen sinh hoạt truyền thống của người Thái). Nhưng thật tiếc là mải mê với những cánh đồng lúa chín, thửa ruộng bậc thang chúng tôi tới nơi thì đã muộn.









Một cô gái trong trang phục người Mông tại Mù Cang Chải (Yên Bái).





Đêm đó ở Tú Lệ, chúng tôi được nếm món xôi nếp thịt nướng. Tôi vẫn thường tự hào xôi mẹ nấu. Thế nhưng cầm nắm xôi nếp Tú Lệ trên tay, dẻo mà không dính, mang vị thơm của hoa ban, hoa trẩu, ngọt tới từng hạt. Đổi vị bằng một miếng thịt lợn nướng thơm phức, tôi chợt cảm thấy cuộc đời quá đỗi sung sướng.











Tâm trạng phấn khích của tôi khi chinh phục đèo Khau Phạ (Yên Bái).





Một giấc ngủ say nồng cho tới khi những tia nắng mặt trời trải dài từ sườn đồi xuống thung lũng, xóa tan dần lớp mây mờ sương phủ. Chúng tôi lại tiếp tục lên đường …












Nhìn từ trên cao thửa ruộng bậc thang như những dải lụa vàng xanh đẹp mắt.












Mái nhà lợp gỗ nằm xen lẫn giữa những thửa ruộng nước.










Theo ngaynay.vn