Từ Đồng Văn (Hà Giang) tôi phải chia tay Phong , anh bạn dễ mến ở lại để công tác theo lịch trình khác.
Sắp xếp lại hành lý, đổ đầy bình xăng, chào tạm biệt cao nguyên đá hùng vĩ tôi xuôi về hướng Bảo Lạc (Cao Bằng) theo tỉnh lộ 217.







Mảng sáng đẹp mà lạ vùng Đông Bắc.





Buổi sáng nay trời mát, những cơn gió rừng ù ù thổi. Không khí thật dễ chịu. Vừa chạy xe tôi vừa lẩm nhẩm hát. Mải mê trên cung đường khi không còn bạn đồng hành tôi chạy quá đường rẽ quốc lộ 34 để về Tĩnh Túc (Cao Bằng) mất 6km.







Phút dừng chân trên cung đường tới Tĩnh Túc (Cao Bằng).





Thật tai hại vì lúc đó chiếc xe lại hư giữa chừng. Không gian vắng lặng, chỉ có mình tôi trên đoạn đường. Bình tĩnh hạ hành lý và dụng cụ sửa chữa, tôi bắt tay vào tìm nguyên nhân. Lần mò một lúc thì ra xe mất điện. Cục TK (IC) chắc theo thời gian bám trụ cùng chiếc xe Minsk đã đến hồi hết hạn sử dụng. Rất may là bằng kinh nghiệm chơi dòng xe cũ kỹ này tôi đã mang theo cục TK dự phòng. Hai phút sau, xe nổ máy.
Đường quốc lộ 34 tới Tĩnh Túc được biết hay xảy ra mấy vụ sạt lở đồi. Con đường nay được sửa chữa có vẻ đẹp và an toàn hơn nhiều. Xế trưa tôi đặt chân tới thị trấn Tĩnh Túc.







Nét 'bao cấp' gợi nhớ một thời hoàng kim của thị trấn Tĩnh Túc (Cao Bằng).





Tĩnh Túc là một thị trấn nhỏ nằm lặng lẽ vùng Đông Bắc. Những dãy nhà cũ kỹ, sứt sẹo có cảm tưởng chẳng liên quan gì tới rừng núi. Bước vào một quán ăn bình dân gần mỏ thiếc, tôi dò hỏi và được biết trước đây thị trấn phát triển rất hưng thịnh. Đó là khi trữ lượng thiếc còn nhiều. Cả thị trấn sầm uất bởi sự xuất hiện của hàng ngàn công nhân từ khắp nơi và các chuyên gia nước ngoài sang làm việc.
Hiện giờ cả thị trấn khá vắng vẻ. Hình dáng của nó làm tôi gợi nhớ nhiều hơn đến một thời bao cấp.
Từ đây về thị xã Bắc Kạn còn khá xa. Nhảy lên xe tôi kéo ga mạnh hơn. Từng chặng đường bỏ lại sau lưng. Qua hai con đèo ngắn Đèo Gió, Đèo Giàng tôi về tới thị xã Bắc Kạn thì đã khá muộn.







Sự chuyển tiếp rõ nét cả địa hình và nếp sống giữa vùng núi và đồng bằng.





Đã hẹn trước với một anh bạn dân tộc Tày tên Diện – anh là một chiến sỹ công an tỉnh Bắc Kạn đón tôi. Anh vẫn nhớ thời học dưới Hà Nội tôi cực thích món Khâu Nhục ( còn gọi là Nằm Khau) mà mỗi lần về quê anh cẩn thận mang xuống. Món này ăn cùng với xôi thì cứ gọi là.
Đưa tôi về nhà, dọn món ăn tôi ưa thích, anh lắng nghe tôi say sưa kể về khởi đầu hành trình của mình và những dự định tiếp theo.







Nụ cười hồn nhiên và trong sáng của các em nhỏ Bắc Kạn.





Buổi sáng, sau khi đưa tôi dạo một vòng quanh thị xã Bắc Kạn, anh dẫn đường cho tôi ra quốc lộ 3 để về Thái Nguyên. Tôi hứa với anh sẽ có dịp quay trở lại đây để anh đưa đi Hồ Ba Bể và tặng lại anh chiếc áo đang mặc khi kết thúc cuộc hành trình xuyên Việt.
Chạy qua Chợ Mới (Bắc Kạn), chớm trưa là tôi đã đến ngã ba Bờ Đậu (Thái Nguyên). Đây là xứ sở của làng nghề bánh chưng Bờ Đậu nổi tiếng. Dừng xe vào một quán ngay đường, tôi gọi mua một chiếc bánh chưng vuông (có loại bánh tròn). Giá cho một bánh vuông hay tròn đều là 20 nghìn một chiếc.







Bánh chưng Bờ Đậu - hội tụ tinh túy của đất trời (ngã ba Bờ Đậu, Thái Nguyên).





Hỏi chuyện chị chủ quán tôi được biết, bánh chưng ở đây ngoài những nguyên liệu thông thường như các nơi khác thì có đặc điểm khác biệt. Đó là gạo nếp đặc sản Định Hóa rất dẻo và thơm, đậu xanh vỏ mỏng lòng vàng, thịt lợn lấy từ miền ngược thả rông và lá dong nếp rừng chặt ở Na Rì, Bắc Kạn. Bánh chưng ở đây vì thế thơm, ngon vô cùng. Nó là hội tụ tinh túy của đất trời như sản phẩm mà hoàng tử Lang Liêu dâng lên vua Hùng theo truyền thuyết.







Một góc rừng chè đất Thái (Sơn Cẩm, Thái Nguyên).







Có điểm đặc biệt ở thành phố Thái mà tôi được một cô bạn ở đây hay kể. Đó là kiểu thời tiết “Rét về trưa, mưa tối thứ bảy”. Chẳng biết đúng hay không nhưng giữa ánh nắng trưa thành phố tôi cảm giác man mát, dễ chịu.
Tôi quyết định dừng chân ở đây trong buổi chiều nay để tìm hiểu đôi chút. Được nhắc đến là một thành phố gang thép với các khu công nghiệp, nhà máy lớn. Nhưng tôi lại cảm nhận Thái Nguyên yên bình, như một bức tranh đa màu sắc về dân tộc: Kinh, Tày, Hoa, Sán Rìu, Ngái … Là một thành phố cách mạng với các khu di tích, bảo tàng quan trọng.








Hồ Núi Cốc - Điểm du lịch hấp dẫn của Thái Nguyên.





Theo đường qua phường Thịnh Đán, tôi tới Hồ Núi Cốc nghe chuyện tình buồn nàng Công chàng Cốc thuở nào. Dòng sông Công hiền hòa trải dài, uốn quanh ngọn núi Cốc sừng sững. Núi Cốc là hiện thân của chàng trai Cốc nghèo khổ, chung tình với tiếng sáo da diết, nỗi cô đơn sầu thảm. Nước mắt nhớ thương nàng Công theo năm tháng thấm vào đất, theo khe nứt tìm về núi Cốc.







Nước mắt thủy chung của nàng Công ...





Nhấp một ngụm chè Tân Cương, tôi nghe cô hàng nước giải thích, sở dĩ chè ở đây thơm ngon nức tiếng, là một đặc sản cũng bởi từ câu chuyện tình buồn của nàng Công chàng Cốc. Chính nước mắt sầu nhớ, thủy chung của nàng Công chảy về vùng Tân Cương là quê chàng Cốc thấm vào rễ cây tạo nên vị chè ngọt thơm mà chỉ vùng này mới có.







... thành con sông Công hiền hòa, uốn quanh ngọn núi Cốc sừng sững.





Rời Thái Nguyên khi trời bắt đầu sẩm tối. Tôi định bụng sẽ chạy một mạch về Hà Nội, rồi vùi mình trong chăn ấm, đánh một giấc cho đã, sáng hôm sau mới lên tòa soạn.
Không biết có phải vì tiếng sáo dặt dìu của chàng Cốc giữ chân, hay nỗi đê mê trong câu chuyện tình buồn của họ mà khi tới cầu Đa Phúc tôi buồn ngủ kinh khủng. Có lẽ sắp về tới Hà Nội, sự mệt mỏi của chuỗi hành trình kéo tới, mắt tôi díp lại.







Màu xanh vô tận vùng Đông Bắc níu giữ bước chân kẻ lữ hành.





Tôi buộc lòng dừng xe ở một cây xăng ven đường, xin ngủ nhờ. Dựng xe sát chân tường, đội nguyên mũ bảo hiểm, tôi nằm xuống. Gần như ngay lập tức mí mắt sụp xuống, tôi chìm vào giấc ngủ tạm say sưa, mặc cho hàng chục cuộc gọi nhỡ của anh chị em trong tòa soạn khi biết tôi gần về tới nơi.
Gần 22h đêm tôi mới về tới cầu Mai Dịch. Ánh đèn phố hắt trên những con đường vẫn đã thưa thớt xe cộ. Anh Sơn – Phó tổng Biên tập của tòa soạn nhắn tin: “Phong Việt! Em về Hà Nội chưa? Anh gọi không được, đoán chắc em đang đi trên đường. Nếu về thì nhắn cho anh. Mai em qua tòa soạn chút rồi nghỉ ngơi chuẩn bị cho hành trình sau nhé!”.


Gọi lại báo cho anh yên tâm, tôi tà tà chạy xe qua phố làm tô phở cho ấm bụng rồi mới về phòng. Hà Nội đang dần chìm vào giấc ngủ. Ngày mai tôi sẽ lại lên đường.




Theo ngaynay.vn