Nghề làm khèn

Tiếng khèn từ đã lâu đã làm nên nét văn hóa độc đáo cho các dân tộc vùng cao nói chung và cao nguyên đá Hà Giang nói riêng. Do đó, đến thăm làng làm khèn truyền thống ở các xã Hố Quáng Phìn, Sủng Trái và Vần Chải, huyện Đồng Văn là trải nghiệm không thể bỏ qua với nhiều du khách.







Từ làng nghề, chiếc khèn theo chân đàn ông H'Mông đến góp vui cho đêm Đồng Văn. Ảnh: Vy An





Để làm một chiêc khèn 6 ống và một bầu cộng hưởng, đỏi hỏi những nghệ nhân nơi đây phải tìm đúng và đủ các nguyên liệu cho mỗi bộ phận như gỗ, vỏ cây đào rừng và trúc. Sau đó mất thêm gần 10 ngày công để hoàn thiện một chiếc khèn. Điểm đặc biệt là dù chỉ ước lượng bằng mắt và tay nhưng các bộ phận lại vô cùng ăn khớp, tạo nên âm thanh trầm bổng , da diết cho tiếng khèn. Bạn cũng có thể mua một chiếc khèn do chính tay người thợ nơi đây làm nên với giá chỉ vài trăm nghìn.
Nghề chạm bạc

Nếu từng đến Hà Giang, chắc hẳn du khách không thể quên những món đồ trang sức bằng bạc lấp lánh nổi bật trên màu áo chàm, đen của phụ nữ Dao như vòng cổ, hoa tai, xà tích... Đó đều là những sản phẩm được ra đời từ các làng nghề chạm bạc truyền thống ở huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Vị Xuyên, Yên Minh, Mèo Vạc…



Trải qua hàng trăm năm tồn tại, tuy số hộ gia đình còn làm nghề chạm bạc ở Hà Giang không còn nhiều như trước, nhưng độ tinh xảo, độc đáo của các sản phẩm dường như chưa hề mai một. Vào thăm một làng nghề chạm bạc bất kỳ trên hành trình khám phá cao nguyên đá, bạn sẽ được tận mắt chứng kiến các công đoạn sản xuất thủ công nhưng đầy điêu luyện chỉ bằng các dụng cụ thô sơ truyền thống.



Từ những mảnh bạc vụn thô ráp, các nghệ nhân vùng cao đã khéo léo tạo hình và chạm, khắc nhiều hoa văn tinh tế thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc. Để rồi sau nhiều ngày miệt mài với đe, búa, kìm, nỉa, những món đồ trang sức như vòng tai, lắc, nhẫn... lại theo chân các thiếu nữ đến các lễ hội và phiên chợ vùng cao, tạo điểm nhấn khó quên về đồng bào dân tộc Dao.
Nghề dệt vải lanh

Nổi tiếng không kém nghề chạm bạc là nghề dệt vải lanh của đồng bào H'Mông ở xã Lùng Tám, cách trung tâm huyện Quản Bạ khoảng 20 km. Mặc dù hiện nay có nhiều loại máy móc hỗ trợ nhưng các công đoạn làm lanh ở đây đều được thực hiện hoàn toàn thủ công, từ trồng cây, tách vỏ đến se sợi, dệt lanh.







Phụ nữ H'Mông miệt mài se sợi lanh. Ảnh: hagiangtrade





Bởi thế trong khung cảnh núi non thơ mộng, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp dịu dàng của phụ nữ H'Mông bên khung cửi đai lưng. Theo quan niệm truyền thống, se lanh dệt vải là công việc mà bất kỳ phụ nữ H'Mông nào cũng phải thành thạo khi đến tuổi trưởng thành.



Bằng đôi bàn tay khéo của mình, họ đã cho ra đời những tấm vải lanh nhẵn mịn, sợi đều, trắng nhỏ. Cùng với đặc tính mát, nhẹ và bền, những sản phẩm từ vải lanh của phụ nữ H'Mông như quần áo, túi xách, đệm, gối… cũng rất được lòng du khách. Đây không chỉ là món quà kỷ niệm của một làng nghề truyền thống của Hà Giang, mà còn in đậm dấu ấn văn hóa đặc sặc của đồng bào H'Mông trên mỗi hoa văn, họa tiết.
Nghề làm giấy bản

Đến với thôn Thanh Sơn, cách thành phố Hà Giang khoảng 60 km, du khách sẽ đến với làng nghề làm giấy bản lâu đời của thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang. Từ năm 1925, bà con người Dao nơi đây đã biết tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn từ thiên nhiên là cây vầu non, dây leo để làm ra giấy bản nhằm phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt tâm linh trong các nghi lễ cấp sắc, cầu an của mình.



Các công đoạn làm giấy bản tuy không quá cầu kỳ nhưng đòi hỏi phải kiên trì, tỉ mỉ như ủ vôi, tráng, phơi phóng, bóc tách... Nhờ đó, mỗi tờ giấy bản thành phẩm không chỉ mỏng tang mà còn bền, dai, màu đẹp, phảng phất hương thơm của cây rừng. Bởi thế, dù là sản phẩm không thể thiếu trong sinh hoạt tâm linh của nhiều dân tộc nhưng giấy bản do chính người Dao ở Thanh Sơn làm nên luôn được ưa chuộng và tin dùng hơn cả.
Nghề rèn

<h2 style='text-align: center;'>







Một gian hàng bán dao tại phiên chợ Hà Giang. Ảnh: Vy An





[/B]
Đây là nghề truyền thống của nhiều bà con dân tộc ở huyện Vị Xuyên, Xín Mần, Mèo Vạc. Sản phẩm làm ra thường là những công cụ phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất hàng ngày như con dao, lưỡi cày, lưỡi cuốc... So với nghề chạm bạc, nghề rèn đòi hỏi sức khỏe vì mất nhiều công sức. Tuy nhiên, du khách vẫn sẽ nhận thấy sự khéo léo và điêu trong từng công đoạn để cho ra đời những sản phẩm không chỉ cắt sắc, cày hay mà còn bóng, bền và đẹp.



Có tìm hiểu đầy đủ một quy trình rèn ở đây và quan sát các thao tác từ khâu bắt đầu đến khi hoàn thành, người ta mới thấm thía những giọt mồ hôi và công sức kết tinh trong từng sản phẩm. Bởi vậy, mỗi con dao, lưỡi cày, lưỡi cuốc không chỉ là vật dụng vô tri, mà còn còn mang trong mình những giá trị truyền thống sâu sắc, khiến du khách bốn phương phải tìm tòi, khám phá.




Theo ngaynay.vn